Cử nhân Tài chính lạc lối ở Đại học Công nghệ: Những chuyện đã đưa anh ấy tới đây | Phần 1
Posted by Giang Son | Dec 17, 2024 | 5 min read
Trong lúc tìm kiếm tài liệu về chủ đề học máy, tôi có tìm được một số bài viết về hành trình học PhD và hành trình học toán của anh Tiệp Vũ, tác giả Machine Learning cơ bản. Và cảm hứng từ cách kể của anh Tiệp làm tôi muốn kể lại hành trình của chính mình.
Mở đầu
Nếu bạn từng đọc CV hoặc từng nghe tôi giới thiệu về bản thân, thì bạn sẽ tìm được những thông tin như thế này:
“Xin chào, tên tôi là Giang Sơn, hiện tại tôi đang là học viên cao học ngành Khoa học Dữ liệu tại ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore (NTU). Tôi có 3 năm làm Chuyên viên Phân tích Dữ liệu (tại hệ sinh thái công nghệ hàng đầu Việt Nam), […] và trước đó tôi tốt nghiệp ngành Tài chính tại ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU).” (đây là lời tự giới thiệu mà tôi đã thuộc lòng).
Thỉnh thoảng tôi có nhận được những câu hỏi về sự khác nhau về ngành học đại học và ngành học/ làm hiện tại, vì hai thứ đó có vẻ không liên quan đến nhau và về cách (cũng như lý do) mà tôi chuyển từ ngành này sang ngành kia.
Trong bài viết này tôi sẽ thuật lại hành trình học tập và công tác của mình, từ khi còn là sinh viên ngành Tài chính cho tới hiện nay. Tôi hi vọng những trải nghiệm và bài học của tôi có thể là thông tin hữu ích cho người khác. Hoặc ít nhất bạn thấy nội dung này giải trí là được.
Hãy quay lại với nơi câu chuyện này bắt đầu.
Hè 2018: ĐH Kinh tế Quốc dân (và một giấc mơ khác)
Khi học hết THPT, tôi đứng trước một số lựa chọn. Theo lời khuyên của một số thầy cô và bạn bè thì phương án phù hợp nhất cho tôi là đi du học. Khi đó, tôi cũng thích ý tưởng đi du học vì tôi học tiếng Anh khá ổn. Tôi cũng có những mục tiêu nhất định của mình (tôi tìm hiểu nhiều về ĐH Monash và ĐH Queensland ở Úc).
Nhưng dự định của tôi đã không thành công.
Khi nghĩ lại, tôi nghĩ có hai lý do chính. Thứ nhất, tôi làm không tốt trong việc tìm kiếm thông tin về việc du học. Tới kì 2 lớp 12 tôi mới bắt đầu đi tìm hiểu việc du học, và sau đó tôi cũng không tìm hiểu kĩ về học bổng, thủ tục, hồ sơ, v.v… và cũng không nhờ tới phụ huynh hay các bên trung tâm tư vấn. Thứ hai, tôi không xác định được ngành học phù hợp với mình… Đây là những sai lầm bài học lớn cho tôi. (Tôi nghĩ nếu tôi cố chấp thì chắc vẫn có thể ra nước ngoài, nhưng hồi đó tôi cũng nghĩ là nếu mơ hồ như vậy mà dùng tiền của bố mẹ đóng số học phí khổng lồ thì có thể sẽ rất phí phạm).
Vậy nên cuối cùng, tôi quyết định là sẽ học ở Việt Nam. Tôi thấy lựa chọn này cũng ổn, vì tôi được học ở gần nhà và có thêm thời gian để phát triển bản thân mình.
Nhưng mà học ở đâu?
Như đã nói ở trên, tôi không thật sự rõ mình muốn theo đuổi ngành học gì. Vậy nên quyết định học trường nào của tôi đành phải dựa vào một yếu tố khác.
Bạn thấy đấy (hoặc chưa thấy), khi học xong lớp 12 thì khả năng thi đỗ vào các trường ĐH top của tôi là không cao. Tôi thi tổ hợp KH Xã hội và khối D (bạn không đọc nhầm đâu), nhưng lại rất lười học các môn trừ môn tiếng Anh. Tôi ước chừng mình thi ĐH được hơn 20đ một chút và nghĩ rằng dùng điểm này mà xét tuyển thì chả đỗ được trường nào.
May mắn thay, tôi không dùng điểm thi để xét tuyển.
Bạn thấy đấy (hoặc chưa thấy), ở trường Chuyên Bắc Ninh tôi học lớp chuyên Anh (bạn cũng không đọc nhầm đâu). Và may mắn cho tôi là tôi được chọn vào đội tuyển thi HSG Quốc Gia của tỉnh, môn tiếng Anh. Và trộm vía tỷ lần, là tôi đi thi được giải có số (dù không phải Nhất). Tin tốt: với giải có số, tôi được tuyển thẳng vào khá nhiều trường ở Việt Nam. Tin không tốt lắm: với giải của tôi, hầu hết các trường top chỉ cho tuyển thẳng ngành ngôn ngữ Anh. Tôi có thể không biết mình hợp ngành gì, nhưng tôi biết chắc rằng mình không muốn học ngôn ngữ Anh.
Trừ một trường, ĐH Kinh tế Quốc dân. Đọc quy định của NEU, tôi được tuyển thẳng vào tất cả các ngành. Tôi biết đây là ngôi trường tương lai của mình.
Với giấy đăng ký xét tuyển thẳng trong tay, tôi tự tin ghi nguyện vọng 2 ngành cao điểm nhất ở NEU có chữ “quốc tế”: Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế. Lúc đấy tôi nghĩ cứ có chữ quốc tế thì sẽ được dùng tiếng Anh, thế mạnh của tôi. Và vài tháng sau, tôi nhận giấy trúng tuyển, trở thành tân sinh viên NEU.
Sau khi vào trường, tôi được nghe về chương trình Tiên tiến: học bằng tiếng Anh, và có cơ hội chuyển tiếp sang Mỹ sau 2 năm học, nhưng học phí đắt hơn khoảng 4-5 lần sau với hệ thường. Ban đầu, tôi hơi do dự vì khoản học phí (và những lý do khác), nhưng sau cùng tôi vẫn ứng tuyển, chọn nguyện vọng là ngành Tài chính. Tôi cũng không rõ ngành này là làm gì cho tới khi học năm 3, lý do thật sự là do tôi thấy ngành này điểm cao nhất nên chọn. Lúc đó tôi không nghĩ nhiều về ngành mình học hay công việc tương lai, vì không hiểu sao tôi cứ nghĩ rằng sẽ quay về Bắc Ninh để làm việc (nhưng không phải làm liền anh).
Vào tháng 9/2018, tôi bắt đầu chương trình học chuyên ngành Tài chính, chương trình học bằng tiếng Anh ở ĐH Kinh tế Quốc dân.
Giờ nghĩ lại, tôi thấy cách ra quyết định lúc 18 tuổi của mình dở thật. Nhưng thôi không sao, ở tuổi đấy thì chuyện đó là bình thường mà…
(còn tiếp)
Lấy cảm hứng từ
Con đường học PhD của tôi và Con đường học Toán của tôi - Tiep Vu
(Tựa đề của bài viết này hơi phóng đại và tôi cố tình làm vậy để gợi sự chú ý của người đọc (nếu bạn đang đọc thì chắc tôi đã thành công). Tuy nhiên, trong đó cũng có một chút sự thật. Tôi đã từng lạc đường theo nghĩa đen vì trường quá rộng và đường đi cũng hơi phức tạp (Google Maps phải bó tay). Và cũng có lúc tôi cảm thấy hơi lạc lối khi suy nghĩ về những dự định tương lai của mình, và vì chương trình học ở đây cũng khoai thật.)
Thank you for reading. I've also written some other posts that you can check out.